Những hy sinh thầm lặng

Trong cái không khí thư thả, trầm mặc của ngày Tết, những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng lại khẩn trương hơn.

Món quà ý nghĩa nhất cho một năm mới bắt đầu chính là cứu được nhiều bệnh nhân hơn, nhiều người bệnh được xuất viện về đoàn tụ với gia đình.

Tăng tỷ lệ bệnh nhân nặng cấp cứu

Ngay từ sáng sớm, Khoa Khám bệnh - Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã có hàng trăm người từ các tỉnh thành ngồi chật kín các hàng nghế chờ. Tại phòng Theo dõi và phòng Hồi sức cấp cứu của Khoa đang có gần chục bệnh nhân được theo dõi, người đang rơi vào trạng thái hôn mê do bị chấn thương sọ não, người nửa mê nửa tỉnh bởi đa chấn thương phần mềm, người vật vã với những chấn thương do bị tai nạn lao động... cùng tiếng kêu bíp bíp từ các máy móc hỗ trợ.   Nhiều trường hợp, một bệnh nhân vào cấp cứu, có đến gần chục người nhà theo sau, ai cũng cuống quýt, lo sợ. Các y bác sĩ, điều dưỡng ngoài việc nhanh chóng tiến hành cấp cứu cho người bệnh, còn làm thêm nhiệm vụ trấn an thân nhân. Nhưng đôi khi, chính họ cũng không tránh khỏi lo lắng, căng thẳng vì bệnh nhân quá nguy kịch.  

Sự hy sinh thầm lặng của người thầy thuốc mang lại niềm vui cho nhiều gia đình. Ảnh: T.K

Ths. BS Trần Văn Oánh, phụ trách Phòng Hồi sức cấp cứu cho biết, do là bệnh viện ngoại khoa lớn nhất khu vực miền Bắc nên trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 100 -150 bệnh nhân trong đó 85% trường hợp cấp cứu do bị tai nạn, 15% bệnh nhân vào cấp cứu do bệnh lý. Trong số các ca bị tai nạn thì TNGT chiếm từ 70 - 80%, tai nạn lao động chiếm từ 6-10%. Những ngày cuối năm số ca vào cấp cứu có giảm đôi chút nhưng có nhiều trường hợp vào cấp cứu với những tổn thương nặng hơn, tỷ lệ bệnh nhân ở tình trạng nguy kịch nhiều hơn so với những ngày bình thường.

Đang dở câu chuyện của mình, Ths Oánh phải vội vàng cùng các y bác sĩ của khoa tiến hành thăm khám cho bệnh nhân Lý Văn Thành ở Tân Ong, Kim Thượng, Vân Sơn, Phú Thọ, nhập viện vì bị tai nạn lao động. Do được những người thợ làm cùng đưa vào cấp cứu kịp thời nên chỉ sau hơn 20 phút, bệnh nhân Thành đã được cầm máu ở các vết thương và chuyển sang chế độ theo dõi.

Trong con mắt của những người làm việc trong ngành y thì có lẽ vất vả nhất là công việc trực cấp cứu. Theo Ths Oánh, trực cấp cứu trong những ngày Tết lại vất vả hơn rất nhiều bởi qua theo dõi trong những năm gần đây, số ca bệnh cấp cứu nặng thường có chiều hướng tăng lên nhiều hơn so với ngày thường. Khi đó, kíp trực sẽ phải làm việc rất vất vả bởi họ phải làm việc thay cho rất nhiều người khác. Những bác sĩ trực luôn phải chịu những áp lực rất lớn, trước hết là áp lực về chuyên môn. Bên cạnh đó còn là áp lực từ phía gia đình, người thân của bệnh nhân.

17 năm công tác, 16 lần ăn Tết tại bệnh viện

Chị Hà Thị Phương Anh, điều dưỡng của khoa cho biết, trong 5 năm về công tác tại bệnh viện chị cũng 5 lần ăn Tết cùng bệnh nhân. Với chị, dù công việc có nhiều vất vả nhưng sau mỗi ngày làm việc là một niềm vui bởi chị như thấy mình đã làm được một việc gì đó rất ý nghĩa.

Chị Phương Anh cho biết, rất hiếm khi mình được ở nhà cùng chồng và con, việc mua sắm đồ chuẩn bị Tết chị cũng thường phải nhờ các anh chị trong gia đình giúp hộ. Suốt 5 năm, qua nhờ sự cảm thông của chồng và gia đình nhà chồng nên chị luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chị cũng cảm thấy tủi thân khi nhìn cảnh vợ chồng người ta chở nhau đi mua sắm dịp cuối năm, cùng gia đình về quê ăn Tết. Trong 5 năm trực Tết cùng bệnh nhân, chị vẫn nhớ như in ca cấp cứu ngày mùng 1 Tết năm 2007. Bệnh nhân bị tai nạn giao thông, khi được đưa vào viện đã tím ngắt, tuy nhiên sau hơn hai tiếng đấu tranh với "tử thần" các bác sĩ trong kíp trực năm đó đã dành được mạng sống cho bệnh nhân.

Hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Minh, trợ lý điều dưỡng cũng thể hiện sự hy sinh thầm lặng lớn lao. Suốt 17 năm công tác tại BV Việt Đức, chị đã có 16 năm không thể ăn Tết cùng chồng và các con ở nhà. Nhiều năm, do số lượng bệnh nhân nhập viện nhiều, các y bác sĩ phải làm việc liên tục cùng với kíp trực trong suốt 24h, chỉ những lúc được nghỉ ngơi các anh, chị mới giật mình nhớ đến hôm nay đang là những ngày đầu năm mới. "Cũng buồn và tủi thân lắm khi nhìn cảnh nhà người ta vợ chồng, con cái đầm ấm đi chúc Tết anh em bạn bè. Nghĩ mà thương cho bọn trẻ, chưa năm nào chúng được cả bố mẹ dẫn đi chơi những ngày Tết", chị Minh chia sẻ.

10 năm công tác tại bệnh viện, Ths Oánh cũng đã có 3 năm ăn Tết cùng với bệnh nhân trong viện. Ths Oánh cho biết, kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình trong 3 năm trực Tết là đêm Giao thừa năm 2003, khi người dân Thủ đô đổ dồn về bờ hồ Hoàn Kiếm để xem bắn pháo hoa thì anh đang làm nhiệm vụ cạo đầu cho bệnh nhân chuẩn bị tiến hành phẫu thuật. Sau tiếng pháo hoa đêm giao thừa, anh và các bác sĩ của kíp phẫu thuật hôm đó rất xúc động được cố PGS Tôn Thất Bách đến chúc Tết. Những lời nói của "thầy Bách" đã giúp toàn bộ các y bác sĩ của ca phẫu thuật bớt đi sự căng thẳng, người nhà bệnh nhân cũng giảm bớt đi sự lo lắng.

Trung Kiên